Sơ khảo cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022:  Khởi đầu đầy kỳ vọng

VHO- Vòng sơ khảo cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” 2022 vừa chính thức diễn ra tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM). Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của nhiều diễn viên chuyên nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố với sự đầu tư dàn dựng công phu và chất lượng nghệ thuật cao.

Sơ khảo cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022:  Khởi đầu đầy kỳ vọng - Anh 1
 

 Thí sinh trẻ Trần Thị Thu Vân dự thi hạng mục Đào mùi với vai An Thu trong trích đoạn “Đêm hội Long Trì”

Gay cấn và đầy bất ngờ

So với mùa giải trước, “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” năm nay có thêm nhiều điểm mới tạo sự hấp dẫn, sinh động. Bên cạnh Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng tư vấn còn có Hội đồng báo chí cùng tham gia chấm giải. Số thí sinh đăng ký dự thi thể loại đào - kép mùi vượt trội so với các loại vai đào - kép lẳng, đào - kép độc hay kép lão - đào mụ, với sự góp mặt của những tên tuổi quen thuộc như NSƯT Tâm Tâm, NSƯT Lê Trung Thảo, NSƯT Thu Vân, Võ Minh Lâm, Nguyễn Văn Khởi, Nhật Nguyên, Phương Cẩm Ngọc… 34 thí sinh đã tranh tài ở vòng sơ tuyển tại TP.HCM và tiếp theo đó tại TP Cần Thơ vào ngày 17.9 tới đây, hứa hẹn mang đến “sân chơi” đầy ý nghĩa cho các nghệ sĩ cải lương trên toàn quốc.

Trong các đêm thi vòng sơ tuyển, đông đảo khán giả đã đến thưởng thức trực tiếp tại Nhà hát Trần Hữu Trang cũng như xem livestream trên Fanpage của cuộc thi và kênh YouTube của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Giám đốc Nhà hát Phan Quốc Kiệt đánh giá cao lực lượng dự thi năm nay khi có nhiều thí sinh giàu kinh nghiệm, đặc biệt có sự tham gia của một số nghệ sĩ ưu tú. Các thí sinh đã thể hiện bước tiến vượt bậc trong nghề nghiệp. “Tôi tin rằng với cơ hội tranh tài rộng mở, cuộc thi sẽ diễn ra gay cấn, hấp dẫn, chất lượng chuyên môn được nâng cao”, ông Phan Quốc Kiệt phấn khởi nhận định.

Là một thành viên của Hội đồng nghệ thuật vòng sơ khảo, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Giang Mạnh Hà mong chờ những nhân tố mới với các hình tượng nhân vật đa dạng, phong phú, để từ đó mang đến những cảm xúc chân thật cho người xem. “Sau hai năm chống dịch, hoạt động văn hóa nghệ thuật bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là các dịp thi tài như thế này. Có thể nói đây là một sự dồn nén trong thời gian khá dài, hy vọng cảm xúc này được khán giả tiếp nhận khi các nghệ sĩ phô diễn những gì tinh túy nhất của mình”, NSND Giang Mạnh Hà kỳ vọng.

Thành tích của các nghệ sĩ, diễn viên đạt được từ cuộc thi sẽ được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chứng nhận, là cơ sở đề xuất xem xét, bổ sung thành tích nghệ thuật của cá nhân trong các đợt xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” do Nhà nước phong tặng. Đây cũng là nguồn động lực lớn để họ cố gắng và trau chuốt nhiều hơn cho các phần thi của mình.

Đa dạng gương mặt thí sinh

“Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang” năm 2022 ngoài mục đích tìm kiếm các tài năng để tăng cường cho lực lượng nghệ sĩ kế thừa, còn tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, khơi gợi ý thức tự rèn luyện, tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả cho các nghệ sĩ. Cuộc thi tôn vinh, ghi nhận và khuyến khích sự phấn đấu của nghệ sĩ trong sáng tạo, biểu diễn nên đã thu hút được đông đảo thí sinh tham gia, trong đó còn có những tên tuổi đã thành danh và được khán giả yêu mến. Có thể kể đến nghệ sĩ Nhật Nguyên, dù đã đoạt giải Vàng tại cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, nhưng anh vẫn quyết tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào sân chơi lần này. Tại đây, anh hóa thân vào nhân vật Lê Tư Tề trong trích đoạn Nỗi lòng Quận Ai Vương (tác giả Phạm Văn Đằng, đạo diễn NSƯT Mỹ Hằng). Phần thi của anh đã nhận được những tràng pháo tay tán thưởng từ phía khán giả cũng như Ban giám khảo. Hay diễn viên Phương Cẩm Ngọc từng đoạt giải Chuông vàng vọng cổ năm 2019, đồng thời đoạt Quán quân Sao nối ngôi năm 2019, đến với vòng sơ khảo lần này, cô tiếp tục sở trường đào mùi trong trích đoạn Dòng sông đỏ (tác giả Ngô Hồng Khanh, dàn dựng NS Chí Linh), vai diễn Út Tâm của cô đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả tại đêm thi.

Có cả những gương mặt lần đầu tiên bước vào cuộc thi, như diễn viên Hoàng Thanh đã rất nỗ lực thể hiện vai Trần Bình Trọng trong trích đoạn Anh hùng (tác giả Phạm Văn Đằng). Vai diễn mang lại cho anh nhiều cảm xúc cũng như bài học kinh nghiệm, nhất là phần vũ đạo để thể hiện vai diễn chính sử. Cùng với đó, sự trở lại của một số cái tên quen thuộc cũng khiến khán giả thích thú. Sau 10 năm, nghệ sĩ Minh Trường bất ngờ góp mặt với vai kép lão thay vì sở trường độc - mùi. Anh chia sẻ: “Tham gia giải lần này, tôi có cơ hội tiếp cận những dạng vai mới, học hỏi thêm được nhiều điều, bởi chỉ trong các cuộc thi chúng tôi mới có động lực để làm nhiều thứ mà trong điều kiện bình thường khó có thể làm được. Lần này, vì không lựa chọn dạng vai sở trường nên tôi càng phải tập trung hơn, nghiên cứu kỹ nhân vật, tập luyện nhuần nhuyễn hơn và bổ sung thêm nhiều thứ hơn nữa cho vai diễn của mình”.

Diễn viên Đinh Thị Nga (nghệ danh Phương Nga) là thí sinh duy nhất từ Hà Nội vào TP.HCM tham gia. Cô hiện đang công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam. Dự thi với sở trường đào mùi qua hai trích đoạn Hoàng hậu hai vua (tác giả Lê Duy Hạnh) và Thái Hậu Dương Vân Nga (tác giả Hoa Phượng chuyển thể từ vở chèo Thái Hậu Dương Vân Nga của tác giả Trúc Đường), là lớp độc diễn đòi hỏi bản lĩnh của diễn viên rất cao, tuy nhiên Phương Nga đã làm tốt phần thi của mình hơn cả mong đợi.

Có thể thấy, cuộc thi sẽ là động lực và cơ sở góp phần định hướng về tiêu chí nghệ thuật, giúp nghệ sĩ, diễn viên gắn bó lâu dài với sân khấu truyền thống. Đây cũng là cơ hội để giới nghề tìm kiếm và khai sáng những cái tên mới, từ đó xây dựng lực lượng kế thừa có đầy đủ năng lực, phẩm chất, góp phần bảo tồn, phát huy mạnh mẽ hơn nữa nghệ thuật sân khấu cải lương độc đáo của nước nhà. 

 BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc